Site banner
Chủ nhật, 4. Tháng 5 2025 - 23:57

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Hai mô hình kinh tế hiệu quả

Chăm sóc bò sữa ở Mỹ Nhơn.

Mỹ Nhơn được xem là một trong những vùng sản xuất lúa trọng điểm của huyện Ba Tri. Trong những năm qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương đã được lãnh đạo xã rất quan tâm. 

Trong đó, xã xây dựng thành công 2 mô hình sản xuất là trồng lúa và chăn nuôi bò, bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân xã nhà.

Xã có hơn 1.400ha đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa. Trong đó, cánh đồng mẫu lớn có diện tích 100ha - sản xuất lúa OC10 (lúa thương phẩm) với 264 hộ tham gia. Trong những năm qua, địa phương chú trọng đầu tư nạo vét hệ thống kênh thủy lợi nội đồng, nhằm đảm bảo nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Năm 2016, xã gia cố tuyến đê bao. Định kỳ thứ Năm hàng tuần, phối hợp với Công ty Lio Thái, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức thăm đồng cùng bà con nông dân tại cánh đồng mẫu lớn.

Về chăn nuôi, toàn xã có hơn 5.100 con bò. Thực hiện chủ trương của huyện trong đề án phát triển đàn bò sữa trên nền bò truyền thống, góp phần xây dựng chuỗi giá trị sản xuất bền vững, đến nay, xã thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ (27ha sản xuất lúa, 75 hộ tham gia) và chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi bò sữa (6 nhóm tương trợ, 126 hộ tham gia, 219 con bò nền được chọn để thụ tinh bò sữa, trong đó có 148 con được phối giống bằng phương pháp tinh phân ly, đảm bảo 90% bê con là cái). Ông Lê Hoàng Dân - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, riêng đàn bò sữa thuần, hiện có hơn 40 con được bà con trong tổ nuôi (dự án hỗ trợ về con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc).

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Văn Rực cho biết: Dự án bò sữa được triển khai cho bà con toàn xã, hiện địa phương đang thực hiện thí điểm tại Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ, bước đầu bò sinh trưởng khá tốt. Một số hộ đầu tư sớm, bò đang chuẩn bị phối giống. Về đầu ra, Công ty sữa Vinamilk sẽ đặt trạm thu mua tại xã, thức ăn và quy trình, kỹ thuật chăn nuôi có doanh nghiệp, trạm khuyến nông hướng dẫn, theo dõi thường xuyên. Cũng theo ông Rực, với giá 20 ngàn đồng/kg sữa, bà con sẽ có lợi nhuận, bởi tại địa phương cũng có hộ đầu tư từ rất sớm và hiệu quả mang lại rất khả quan. Từ mô hình bò sữa này, trong những năm tiếp theo, Hội Nông dân sẽ tham mưu giúp UBND xã mở rộng và thành lập tổ hợp tác cho các ấp còn lại.

Nguồn: Báo Đồng Khởi